Mốc 9 tháng tuổi là một trong những giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của bé yêu. Trong khoảng thời gian này, bé rất hiếu động, thích khám phá, phát triển cả về chiều cao cân nặng và trí tuệ, cảm xúc. Hãy cùng tìm hiểu những điều cần biết khi nuôi con 9 tháng tuổi trong bài viết dưới đây để có thêm kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc con yêu.
Nội dung chính
I. Chiều cao và cân nặng tiêu chuẩn của bé 9 tháng tuổi
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới WHO, bé trai 9 tháng tuổi cân nặng trung bình khoảng 8.1kg đến 10 kg, chiều cao từ 69cm đến 74 cm. Bé nữ 9 tháng tuổi trung bình nặng 7,3kg đến 9,3 kg, cao khoảng 67,5cm đến 72 cm.
Nếu cân nặng thấp hơn mức trung bình mẹ cần theo dõi và đưa con đi khám dinh dưỡng để tránh nguy cơ suy dinh dưỡng. Trường hợp bé nặng cân hơn mức trung bình thì mẹ cần chú ý tới khẩu phần ăn và chế độ ăn uống của con để hạn chế tình trạng béo phì, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của trẻ.
II. Dinh dưỡng khi nuôi con 9 tháng tuổi
Trong giai đoạn 9 tháng tuổi, bé vẫn cần bú sữa mẹ hoặc sữa công thức 3-4 lần trong ngày với lượng sữa trung bình khoảng 650ml đến 850ml. Nếu con uống đủ lượng sữa trên trong ngày thì sẽ không cần bổ sung vitamin D. Tuy nhiên, nếu lượng sữa dưới 480ml/ ngày thì mẹ nên bổ sung thêm vitamin D3 cho con mỗi ngày.
Bé 9 tháng tuổi nên ăn đủ 3 bữa ăn dặm trong ngày và có thể ăn từng ít một để làm quen trước. Mẹ nên thử các loại thức ăn từ mềm đến cứng, độ nhuyễn khác nhau. Dinh dưỡng cho bé 9 tháng tuổi nên đầy đủ các chất từ nguồn thực phẩm như tinh bột, thịt, cá, trứng, rau xanh, củ quả, trái cây, bơ, phomai…
Dưới 1 tuổi thì các món ăn, đồ ăn của trẻ vẫn không nên có các loại gia vị. Mẹ cần tránh cho con ăn những loại thực phẩm nhiều chất béo, muối đường, uống nước ngọt, đồ uống có gas… Một số loại rau củ luộc mà cắt miếng to hoặc cắt lát tròn sẽ dễ khiến con bị mắc nghẹn, hóc, nguy hiểm.
Một số loại thực phẩm mà bé 9 tháng tuổi có thể ăn gồm:
- Trái cây và rau xay nhuyễn
- Rau hấp cắt vụn
- Trái cây mền (chuối, bơ, xoài)
- Mì ống nấu chín mềm
- Trứng bác
- Gà xé sợi
- Sữa chua
- Cháo từ bột yến mạch…
Ngoài ra, các mẹ cũng có thể nghiên cứu và tham khảo một số dòng bột ăn dặm được chuyên dùng cho bé. Tập cho bé ăn dặm dần và sử dụng một số loại bột chất lượng, đảm bảo cũng nhiều bậc phụ huynh lựa chọn.
III. Bé 9 tháng tuổi biết làm gì?
Khi con 9 tháng tuổi, con đã có những phát triển rõ rệt về thể chất và nhận thức ví dụ như:
Biết ngồi vững. Bò nhanh và thành thạo, bò giật lùi hoặc bò một chân. Một số bé đã có thể tự đứng, vịn đứng và chập chững đi từng bước ngắn.
Bắt chước nhiều hành động của người lớn như vẫy tay chào tạm biệt, vỗ tay hoan hô, …Bé có thể bập bẹ vài từ đơn giản như ba, bà, ma, măm, đi…
Biết lấy đồ vật, đồ chơi mà mình thích, bò tới chỗ mình muốn, thể hiện cảm xúc khi được cho món ăn yêu thích. Cười khi được vui đùa, khóc mếu khi bị quát mắng.
Luôn tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh, nhớ vị trí của những món đồ mình hay để ý tới, quan sát để học cách đóng mở đồ vật như tủ đồ, ngăn kéo…
Bày tỏ thái độ khi phải xa bố mẹ hoặc sợ sệt khi gặp người lạ. Bắt đầu biết cách chơi đồ chơi như chơi bóng, chơi ô tô, chơi xúc xắc…
IV. Chú ý chăm sóc răng miệng cho bé 9 tháng tuổi
Bé 9 tháng tuổi đã mọc những chiếc răng đầu tiên. Do đó, mẹ nên quan tâm và chú ý việc chăm sóc răng cho con ngay từ thời gian đầu để tránh bị sâu răng, sún răng. Các mẹ có thể mua bàn chải đánh răng dành cho bé 9 tháng tuổi để tập sử dụng cho con, chải nhẹ nhàng và chỉ tập trung vào phần tiếp giáp giữa viền răng và nướu. Nếu bé cảm thấy khó chịu, không hợp tác, không thích đánh răng thì mẹ có thể đưa bàn chải cho bé và dạy con làm, hoặc đặt bé nằm lên giường, chải răng nhẹ nhàng để bé tập làm quen dần.
Lưu ý khi chọn bàn chải, mẹ nên chọn loại tốt, lông bàn chải mềm, ngoài vỏ có ghi đúng dòng bàn chải cho bé 9 tháng tuổi. Nên thay bàn chải cho con định kỳ 3-4 tuần một lần. Khi thấy lông bàn chải bị tưa, mẹ cần đổi bàn chải mới ngay lập tức để tránh làm trầy xước và chảy máu nướu răng của con khi sử dụng. Nếu có điều kiện, có thể thăm khám răng miệng cho con 1-2 lần/ năm để phòng ngừa sâu răng và các bệnh về răng miệng.
V. Một số điều cần lưu ý khi nuôi con 9 tháng tuổi
Thực hiện tiêm đầy đủ các mũi vacxin cho con như vacxin 6 trong 1, vacxin phế cầu, vacxin cúm, vacxin viêm não mô cầu BC, vacxin sởi. Trò chuyện và chơi cùng con, dạy con những thói quen tốt, dạy con tên gọi đồ vật, hỗ trợ con để phát triển những kỹ năng cần thiết khác.
Trong trường hợp bé có những biểu hiện bất ổn như không thể bập bẹ nói, không thử đứng kể cả khi có người hỗ trợ, không thể ngồi vững khi có người hỗ trợ, không có phản ứng khi có người gọi tên, không biết cách chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia, không hướng ánh mắt về nơi đang thu hút sự chú ý… thì mẹ nên đưa con tới bệnh viện nhi khoa để được thăm khám.
Xem thêm: Cách nuôi con 1 tuổi phát triển toàn diện
Trên đây là những điều mà mẹ cần biết khi nuôi con 9 tháng tuổi. Nuôi con là hành trình đầy khó khăn và thử thách nhưng cũng có rất nhiều niềm vui. Blog Nấu Ăn hy vọng những kiến thức trên sẽ giúp mẹ có thêm hành trang và kinh nghiệm để chăm sóc và nuôi dạy con tốt hơn.
Blog Nấu Ăn là nơi chia sẻ cách làm món ngon, review đồ gia dụng như tủ lạnh, nồi chiên không dầu, bếp nướng, chảo, máy giặt, hay các mẹo vặt hay trong cuộc sống.